HỘI CHỨNG PICA Ở TRẺ EM

Ngày đăng: 07/04, 13:47

HỘI CHỨNG PICA Ở TRẺ EM

          Hội chứng Pica hay còn gọi là hội chứng thích ăn bậy là một hội chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm ở trẻ em vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

          1. Hội chứng Pica là gì?
          Hội chứng Pica là một chứng rối loạn ăn uống liên quan đến việc ăn những thứ không được coi là thực phẩm và không chứa giá trị dinh dưỡng đáng kể.
          Ví dụ: tóc (Hội chứng Rapunzel, Trichopagia), phân (Corophagia), đất (Geophagia), đá (Lithophagia), vật sắt nhọn (Acuphagia), ...
 
Ảnh 1: Một số dạng của hội chứng Pica
 
          Đây là một hội chứng hiếm gặp và thường xảy ra với những người rối loạn sức khỏe tâm thần có liên quan tới rối loạn chứng năng (thiểu năng trí tuệ, hội chứng tự kỉ, tâm thần phân liệt, ...). Ngoài ra, thường gặp Pica xảy ra ở những người có mức dinh dưỡng thấp hơn bình thường và chế độ dinh dưỡng kém.
           Đối với trẻ em, hành động cho đồ vật vào miệng được coi là hành vi phù hợp về mặt phát triển đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu việc nuốt các đồ vật không phải là thực phẩm xảy ra thường xuyên và trên 18 tháng tuổi thì có thể cần nghĩ tới việc chẩn đoán hội chứng Pica.
           Pica có liên quan đến các rối loạn cảm xúc tâm thần và cảm xúc khác. Các yếu tố gây căng thẳng như chấn thương tinh thần, thiếu thốn tình cảm của mẹ, các vấn đề gia đình, sự bỏ rơi của cha mẹ, mang thai và cấu trúc gia đình vô tổ chức có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện hội chứng Pica như một dạng an ủi.
 
           2. Hội chứng Pica được chẩn đoán như thế nào?
           Không có cận lâm sàng nào để chẩn đoán bệnh Pica, thay vào đó chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và bệnh sử của bệnh nhân. Chẩn đoán nên kết hợp bởi các triệu chứng thiếu máu, tắc ruột và nhiễm độc, ... từ đó cần đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
           Hội chứng Pica hiện được công nhận là một chứng rối loạn tâm thần, do đó Dsm 5 đưa ra 4 tiêu chí cần phải đáp ứng để một người được chẩn đoán mắc Pica:
           - Người đó phải ăn thực phẩm không có dinh dưỡng trong ít nhất 1 tháng.
           - Việc ăn uống này phải được coi là bất thường đối với giai đoạn phát triển của người đó.
           - Hành vi không phù hợp về mặt phát triển và không phải là hành vi được khuyến khích về mặt văn hóa.
           - Đối với những người hiện đang có tình trạng sức khỏe (VD: mang thai) hoặc rối loạn tâm thần (VD: rối loạn phổ tự kỉ), hành động ăn các thực phẩm không có dinh dưỡng chỉ nên được coi là Pica nếu nó nguy hiểm và cần điều tra y tế hoặc cần điều trị thêm về đầu những gì họ đã nhận được cho tình trạng sẵn có của họ.
 
           3. Điều trị và hậu quả của hội chứng Pica
           Pica có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc, nhiễm kí sinh trùng, tắc ruột, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ví dụ, trẻ bị nhiễm độc chì khi ăn phải sơn thạch cao dẫn đến tổn thương não do ngộ độc chì, do đó cần giải quyết tình trạng nhiễm độc. Hoặc là gây tắc nghẽn tiêu hóa khi ăn phải tóc, đá, ... dẫn đến tắc ruột có thể phải điều trị can thiệp ngoại khoa.
           Thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân và triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân Pica, do đó điều chỉnh sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cần được quan tâm ở những bệnh nhân này.
           Những người mắc hội chứng Pica cần được kết hợp điều chỉnh dinh dưỡng, điều trị các triệu chứng thực thể và điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
 
           4. Case bệnh mắc hội chứng Pica tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai
           Bệnh nhi 5 tuổi nhập viện vì tình trạng đau vụng vùng hạ sườn trái và thượng vị kèm nôn ói kéo dài, bụng chương nhẹ, hiện tại lúc khám đã nhiều ngày chưa đi cầu, sờ thấy có khối bất thường vùng hạ sườn trái. Chụp CT-Scanner ổ bụng ghi nhận có nhiều hình ảnh cản quang nhỏ li ti trong dạ dày bệnh nhân và có cả trong toàn bộ đường tiêu hóa của bệnh nhân.
 
 
Ảnh 1: Hình ảnh CT-Scanner của case bệnh mắc hội chứng Pica ở Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai
 
Ảnh 2: Mở dạ dày bệnh nhân, lấy ra khoảng 800gram đất lẫn đá nhỏ
 
           Sau can thiệp ngoại khoa, người nhà bệnh nhân được tư vấn chăm sóc và điều trị tâm lý cho bệnh nhân.
           Điều trị Pica cần kết hợp về khía cạnh thể chất và tinh thần nhằm giúp đỡ bệnh nhân vượt qua cơn thèm và trở về chế độ ăn bình thường. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ mắc bệnh nên có cách giáo dục và chăm sóc trẻ đúng cách, kết hợp với bác sĩ để hỗ trợ trẻ trong việc điều trị nhằm thay đổi hành vi của bệnh nhân.
 
Tác giả: Bs Trần Thị Thanh Hiền - Khoa Ngoại - GMHS