CHUYẾN KHỞI HÀNH CỦA BÉ NON

Ngày đăng: 20/05, 08:55

CHUYẾN KHỞI HÀNH CỦA BÉ NON


Không giống như những khoa điều trị khác, bệnh lý thường đông tuỳ thời điểm và xu hướng mùa nào bệnh nấy, ví dụ như mùa lạnh thường là ho, cảm; mùa hè thường gặp tai nạn do trẻ chơi đùa... thì ở khoa Sơ Sinh, bệnh mùa nào cũng đông, đặc biệt là trẻ sơ sinh non.

Trẻ sơ sinh non là trẻ ra đời trước 37 tuần tuổi thai, vì là ra trước, nên em ra lúc nào thì khó thể tiên liệu được, vậy nên, bất kể thời điểm nào trong năm, trẻ sơ sinh non cũng là mặt bệnh chủ yếu của khoa.

Theo thống kê, trong 2 năm đầu Bệnh viện Nhi Gia Lai đi vào hoạt động đã đón nhận 1124 trẻ sinh non, chiếm 32,89% tổng số bệnh nhân của khoa Sơ sinh. Nhờ  sự quan tâm của lãnh đạo Ngành và Bệnh viện, khoa Sơ Sinh từng bước cải thiện chính mình. Những em bé non nớt, nhỏ dưới 1 kg khi xưa nằm chắc ở cửa tử giờ đã có thêm cơ hội sống.

Bà Nam K., ngụ ở phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã có 1 lần sinh non trước đây, cân nặng lúc sinh của bé là 1500 gram, sau 1 tuần điều trị tại khoa, bé đã xuất viện trong tình trạng hồng hào, ổn định. Và lần sinh thứ 2 của bà Nam.K mới thực sự là thử thách. Em bé lần này chỉ khoảng 28 tuần tuổi thai và cân nặng là 1000 gram. Sau khi sinh, em bé tím tái, thở rên yếu ớt, toàn thân lạnh và xuất huyết, được chuyển ngay về khoa Sơ Sinh bệnh viện Nhi Gia Lai. Đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đón em thiết lập 1 dây chuyền phản ứng nhanh, bao gồm: chuẩn bị sẵn sàng lồng ấp, thở máy thông khí áp lực dương liên tục, lấy vein, đặt catheter tĩnh mạch rốn, truyền thuốc, truyền dịch dinh dưỡng, truyền huyết tương tươi đông lạnh.. . Sau khi xác định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong (là bệnh do thiếu hụt chất bề mặt Surfactant mà em bé sinh non thường chưa thể tự tổng hợp đủ làm cho phế nang bé Non bị xẹp), em được đặt nội khí quản xâm lấn và bơm Surfactant vào phổi.

Non bắt đầu chuỗi ngày trầy trật đối chọi với những hệ quả đi kèm của sơ sinh non, từ hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, thần kinh, đến hệ huyết học, da niêm, miễn dịch đều chưa trưởng thành. Non trải qua những đợt nhiễm trùng huyết nặng nề, tri giác Non trở nên kém hơn và những cơn ngưng thở bắt đầu dồn dập. Các bác sĩ đã lần nữa phải đặt lại nội khí quản và cho Non thở máy xâm lấn. Các nữ điều dưỡng nâng niu từng đường vein quý giá.

Sau 10 ngày thở máy, Non đã được cai máy thở xâm lấn, chuyển sang thở máy không xâm lấn, rồi thở oxy, rồi tập thở khí phòng. Tình trạng hô hấp và nhiễm trùng dần ổn định, Non dần đã tự bú được, mọi phản xạ tự nhiên đều rất tích cực và những cơn ngưng thở không còn nữa. Cân nặng lúc này là 1400 gram. Công sức các Bác, các Cô chăm sóc từng chút một như được đền đáp.

Bà N.K chia sẻ: “ Thấy con em mình được mạnh khoẻ thì gia đình tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các y bác sĩ, điều dưỡng tại khoa vì đã có lòng nhân ái, hết sức chăm sóc tận tình, yêu thương bé và những em bé khác điều trị tại đây.”

 

Ảnh 1: Thở máy xâm lấn

 
Ảnh 2: Thở Oxy
 
 Ảnh 3: Thở khí phòng
 
 Tác giả:  Khoa Sơ Sinh bệnh viện Nhi