Hoạt động trong Tuần lễ Điều dưỡng-Hộ sinh thế giới và tăng cường công tác vệ sinh tay

Ngày đăng: 20/05, 15:02

Bài viết về tình cảm của bản thân đối với nghề nghiệp (bài viết 1).

 

NHỮNG BÔNG HOA LẶNG THẦM TOẢ HƯƠNG

 

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng hay bằng phẳng cả, tùy vào sự phấn đấu của mỗi người để đi đến thành công hay thất bại mà thôi. Cũng như tôi vậy đã trải qua quá trình khám phá, học hỏi về con đường mà tôi đã tự mình lựa chọn, đó là ngành Y với một công việc điều dưỡng viên một  nghề cao quý khoác trên mình chiếc áo blouse mà tôi luôn trân trọng.

 

Ai đó đã từng nói rằng cái nghề là cái nghiệp, lựa một nghề cũng khó khăn như chọn vợ chọn chồng bởi ngoài việc có một đầu óc tỉnh táo, còn cần có cả sự rung động của trái tim và một chút nhân duyên đưa đẩy…Ai theo nghề Điều dưỡng cũng phải là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm, bởi áp lực công việc rất cao. Đây cũng là một nghề đang có nhu cầu lớn của xã hội. Khi bạn chọn học điều dưỡng là chọn con đường gian nan, thiệt thòi, đối diện với nỗi đau của kiếp người. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.


Nghề Điều dưỡng viên mặc dù là một nghề cao cả, nhưng áp lực đối với nghề là vô cùng lớn. Các Điều dưỡng viên làm nghề về chăm sóc sức khỏe nhưng bản thân sức khỏe của họ lại bị ảnh hưởng rất nhiều. Họ phải di chuyển liên tục, chạy như một con thoi. Ngoài vai trò của một người chăm sóc bệnh, điều dưỡng viên đôi khi còn như một người thân, người bạn giúp bệnh nhân vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống.
 

Trước việc phải hàng ngày tiếp xúc với những nỗi đau, những trăn trở của người bệnh, niềm vui lớn nhất mà người điều dưỡng nhận được có lẽ là cơ hội được tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người bệnh, người nhà người bệnh theo hướng tích cực hơn, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn và chiến thắng bệnh tật.

 

Như những bông hoa lặng thầm tỏa hương, những người mang trong mình trọng trách của một điều dưỡng vẫn hàng ngày giữ cho những cánh hoa của niềm tin và tình yêu với nghề luôn tươi thắm. Dù công việc thầm lặng và nhiều áp lực, nhưng sự thấu hiểu và tình yêu thương con người sẽ luôn là động lực giúp mỗi điều dưỡng nhận thấy được sứ mệnh của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Những kỳ tích mới sẽ lại xuất hiện, những cống hiến thầm lặng sẽ được ghi nhận bằng sự hồi phục sức khỏe của người bệnh. Và rồi, nụ cười sẽ lại rạng rỡ hơn trên gương mặt của những người điều dưỡng tận tâm và không ngừng nỗ lực vì người bệnh của mình.

Em sinh ra trên đất đỏ bazan

Làng da nâu nhuộm màu nắng gió

Quanh năm chỉ biết màu trắng hoa cà phê là nguồn sống

Đâu biết rằng ngoài kia thế giới với những điều sống động

 

 

Em cô gái nhỏ lưng ong

Đôi mắt tròn to long lanh sâu thẳm

Mẹ bảo em đừng chọn ngành với lắm lo toang

Để đêm dài em ôm trọn kiếp nhân sinh

 

Gà gáy vang báo hiệu bình minh

Em vội vã đeo trên mình ba lô nhỏ

Chăm người lạ đâu biết  dáng mẹ đã gầy sương gió

Vì em mẹ mang trên mình bao bận tâm to nhỏ

 

Ai thương em, ai thương em cô gái nhỏ

Mọi lo toan em dành cả cho em thơ

Nghành của em không có gì là mộng mơ

Khi niềm vui người lạ là nổi lo em trăn trở.
 
 

Bài viết về tình cảm của bản thân đối với nghề nghiệp (bài viết 2).

 

CHÀO EM, CÔ ĐIỀU DƯỠNG!

 

Một vùng đất hẻo lánh chỉ có nắng và gió, một cái bóng bé nhỏ đang đi ngược về phía ánh hoàng hôn đang khuất sau hàng cao su khô trụi lá. Trên chiếc Honda quen thuộc, em lại tiếp tục công việc hàng ngày mà mình vẫn hay làm.

“Áo trắng trên vai

Màu phai cũ kỹ

Em tự hỏi mình

Bao lâu rồi nhỉ”

Đã bao lâu em gắn bó với công việc này rồi, em cũng không nhớ nổi nữa. Con phố lên đèn, và em lên đồ đi làm. Đúng vậy, mọi người đang hối hả về nhà với bữa cơm gia đình, còn em thì rời xa bữa cơm ấy để chăm sóc người khác. Khoác lên mình chiếc áo trắng tinh, mang theo sứ mệnh thiêng liêng cao cả, cô điều dưỡng của tôi vẫn miệt mài hàng ngày chăm sóc cho từng mầm non bé nhỏ. Em là một điều dưỡng nhi khoa.

Vậy là lại một đêm nữa, em quên giấc ngủ của mình để đổi lấy sức khỏe của những cháu bé đang nằm kia, các cháu đang khổ sở vì cơn ho, vì những trận sốt nhừ tử trong cơn lo lắng tột cùng của gia đình. Đúng vậy, lúc mọi người đang trong giấc ngủ say, đôi mắt của em vẫn còn thức, hoặc là đọc sách, hoặc là lướt điện thoại trong vô thức, hoặc là nhìn vào một khoảng không vô định nào đó trong cơn ngái ngủ. Hoặc tệ hơn nữa là không được ngủ, vì lo cho bệnh nhân. Để rồi hôm sau, đôi mắt thâm quầng của em đã nói lên tất cả, đêm đó em ngủ có ngon không?

Người ta thường nói, có cha mẹ nào không thương con. Điều đó nào ai phủ nhận được, đã vào bệnh viện rồi, ai cũng mong con mau khỏi bệnh. Nhưng họ cũng nào biết, trong màn đêm kia có người đang chờ đợi từng giờ, nơm nớp từng giờ để trông sao cho các bé không bị gì, để em có một giấc ngủ ngon như bao người. Có người vào hỏi thăm: “cô ơi cô chưa ngủ hở?”, “Cô dùng ít trái cây nha cô?” Cô cảm thấy như vậy là ấm lòng. Nhưng liệu trong hàng trăm người kia có bao nhiêu người tử tế như vậy.

Một mẹ thì chăm một con, riêng cô chỉ một mình chăm sóc cả hàng trăm đứa con như thế. Vâng, người hỏi thăm sức khỏe cô thì ít, cả đêm chỉ thấy đâu những câu quen thuộc: “cô ơi, con tôi sốt”, “Cô ơi, con tôi khóc ngủ không được”, “Cô ơi, con tôi đau...”. Biết sao được, bước chân vào cái nghề này rồi, đã xác định bản thân sẽ hy sinh vì mọi người, để giành lấy sức khỏe cho bệnh nhân mà. Cô không nghĩ nhiều, cô chỉ biết, công việc của mình hiện tại chính là chăm sóc cho bệnh nhân. Chỉ có vậy, nên cô không than lấy nửa lời.

Có những lần cô tìm đến tôi, khóc nức nở. Hôm nay người nhà bệnh nhân quát vào mặt em, anh à! Người ta bảo em không có tình người, không cho họ ở lại chăm sóc con của họ. Có một cái gì đó cứa vào tim em, thật là kinh khủng. Anh không biết được rằng đôi tai này đã nghe được những gì thốt ra từ miệng của họ đâu. Trong khi mình chăm sóc sức khỏe cho họ mà anh. Em không hiểu được mình đã làm gì để bị nói như vậy nữa. Mình làm nghề này là sai sao anh?

Tôi nhìn nhẹ qua em, lúc này đã ngước nhìn lên bầu trời, đôi mắt em nhìn xa xăm nhưng cũng sắp rơm rớm nước mắt. Xã hội lúc nào cũng dành sự tôn trọng bác sĩ, còn điều dưỡng bọn em liệu có bị lãng quên ở một nơi nào đó rồi chăng?

Em lại nghẹn ngào nói tiếp: “Nhà đó dữ quá, em nào dám nói gì. Lâu lâu mới gặp một người như vậy, gặp hoài chắc em bỏ nghề quá anh à”.

Tôi thương em, thương cái nghề của em, thương luôn cả cái tính chịu đựng của em. Mọi thứ đều tạo nên một con người cứng cỏi, giàu lòng yêu thương. Tôi ước gì mọi người có thể san sẻ giúp em một phần gánh nặng được không?

Đêm trực của em luôn diễn ra như vậy, gặp đủ loại người, trí thức có, xăm trổ có, tốt xấu đủ cả... đủ loại tình huống có thể xảy ra. Có thể đó là một đêm bình yên, để em có một giấc ngủ thật tròn, cũng có thể là bão tố với những ca cấp cứu ngay trong đêm khiến cả tua trực chẳng ai chợp mắt nổi, để rồi lại thở phào nhẹ nhõm của cả ê-kíp khi nghe tiếng thở của bệnh nhân, kèm theo đôi môi hồng hào và tiếng khóc mà em từng rất ám ảnh. Có thể, đó là một chút niềm vui của em khi làm công việc này.

Đôi lúc, trong một khoảng lặng nào đó, em lại ngồi tâm sự cho tôi nghe về những điều như vậy. Nhưng mẩu chuyện vụn vặt trong cuộc sống. Và em nhớ...

Em  lại nhớ những ngày đầu về đây, khi cô vẫn là một cô điều dưỡng trẻ mới ra trường.

Bốn năm qua học tập miệt mài, chỉ để chờ đến ngày đi làm. Giờ ở đây chỉ có một mình, đôi lúc em nhớ bạn bè, nhớ những ngày tháng sinh viên. Em nhớ những buổi chiều bên ghế đá, có những con sóng lăn tăn, có lá vàng bay nhẹ nhàng, êm ả, sau lưng là còi xe, là dòng người hối hả; nhớ những ngày rong ruổi khắp các con đường. Nhớ những đêm gió lạnh ùa về, bên quán vỉa hè, mấy đứa quây quần, chuyền tay nhau bắp ngô nướng xém, xuýt xoa, phả khói thơm nồng; nhớ cả những ngày đầu đông, dưới rặng hoa sữa ngạt ngào, ôm anh người yêu thật chặt trong cơn rét buốt. Để rồi giờ đây hương hoa nồng nàn ấy, cùng với anh, theo em cả vào trong giấc mơ. Những điều tưởng như bình thường và giản đơn ấy, sao giờ đây, lại đang cắn lòng em đến nhức nhối, cồn cào… Em đã bỏ tất cả phía sau, lên cao nguyên làm cô điều dưỡng.

Gió hú, lá rơi, trời sắp mưa. Đêm nay trời lại rét. Cuộn tròn trong chiếc chăm ấm áp, tôi mong em có một giấc ngủ thật ngon. Tôi cũng mong bệnh nhân của em thật khỏe để không ai phiền em trong những đêm trực như vậy nữa. Ai nghĩ gì tôi không quan tâm nữa, tôi chỉ biết, em đang làm một công việc tốt đẹp nhất trên thế giới này.

Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác.

Chào em, cô điều dưỡng!

 
 Hình ảnh người điều dưỡng với bệnh nhân.
 
Hình ảnh Điều dưỡng trong khu vực bệnh nhân nghi ngờ COVID-19


Điều dưỡng BV Nhi sinh hoạt chuyên môn


Điều dưỡng đang thực hành, học tập kỹ năng về chăm sóc trẻ sơ sinh
 
Hình ảnh Hội thi “Điều dưỡng giỏi” năm 2020
 

Tổ Kiểm soát nhiễm khuẩn đang sinh hoạt, trao đổi chuyên môn